Hướng dẫn kiểm tra thông tin sổ đỏ chi tiết nhất
Sổ đỏ là cách gọi khác của giấy chứng nhận quyền sử dụng đất còn sổ hồng là giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền trên đất. Sổ hồng và sổ đỏ được xem là giấy tờ vô cùng quan trọng và chắc chắn phải xem trước khi giao dịch mua BĐS. Do đó, cần kiểm tra thông tin sổ đỏ, sổ hồng một cách chính xác, kiểm tra sổ hồng, sổ đỏ thật hay giả để tránh bị lừa đảo mua phải mảnh đất không đảm bảo tính pháp lý.
Vây, làm thế nào để có thể kiểm tra thông tin sổ đỏ, sổ hồng một cách chi tiết và chính xác nhất? Cách phân biệt sổ hồng, sổ đỏ thật hay giả? Tôi sẽ chia sẻ cho các bạn cách để các bạn có thể làm được điều đó.
Hướng kiểm tra thông tin sổ đỏ, sổ hồng
Mục I, người sử dụng đất, chủ sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất
- Nếu sổ hồng, sổ đỏ chưa có sự chuyển nhượng thì thông tin chủ đất phải trùng với thông tin trên CMND hoặc CCCD của người bán
- Nếu người bán có giấy uỷ quyền mua bán của phòng công chứng, các bạn phải kiểm tra thông tin sổ đỏ, sổ hồng xem chủ đất phải trùng với thông tin của người uỷ quyền và thông tin người được uỷ quyền phải trùng với CMND hoặc CCCD của người bán.
- Khi kiểm tra thông tin sổ đỏ, sổ hồng chủ đất là doanh nghiệp, thì thông tin trên sổ phải trùng với thông tin trên giấy đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp bán đất.
- Khi kiểm tra thông tin sổ đỏ, sổ hồng là đồng sở hữu của nhiều chủ đất thì các bạn cần kiểm tra chính xác sự trùng khớp thông tin trên sổ và trên CMND hoặc CCCD của từng người. Bên cạnh đó, cần xác định sự đồng ý bán của tất cả những người có tên trên sổ.
- Nếu chủ đất đã kết hôn, thì các bạn cần kiểm tra giấy đăng ký kết hôn đồng thời cần xác định sự đồng ý bán của cả 2 vợ chồng.
Mục II, thửa đất, nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất
1. Thửa đất: (Kiểm tra thông tin sổ đỏ, sổ hồng thật kỹ)
- Số thửa, số tờ bản đồ: đây là thông tin giúp bạn kiểm tra quy hoạch đất và quy hoạch xây dựng của thửa đất, đồng thời xác định vị trí của thửa đất xem đúng với thửa đất mà mình đang xem hay không. Mẹo nhỏ: Các bạn có thể sử dụng định vị GPS của điện thoại để xác định vị trí đang đứng có phải vị trí thửa đất trên quy hoạch hay không.
- Địa chỉ: ghi thông tin địa chỉ của thửa đất
- Diện tích: ghi thông tin tổng diện tích thửa đất. Các bạn nên đo đạc thực tế để tránh việc tranh chấp về sau với các thửa đất kế bên.
- Hình thức sử dụng: gồm có: sử dụng riêng hoặc sử dụng chung. Nếu đất hình thức sử dụng chung thì khi chuyển nhượng cần có sự đồng ý của tất cả những người sử dụng chung đó.
- Mục đích sử dụng: gồm có: đất ở, đất thương mại dịch vụ và đất nông nghiệp (đất trồng cây lâu năm, đất trồng cây hàng năm khác, đất lúa, đất nuôi trồng thuỷ sản…)… Trong đó, đất ở đất có mục đích sử dụng cao nhất. Khi đi mua, để an toàn nhất các bạn nên mua đất có mục đích sử dụng là đất ở hay còn gọi là đất thổ cư. Với các loại hình đất khác nếu không phải mua với đúng mục đích sử dụng đất thì các bạn nên thận trọng vì không phải vị trí nào cũng có thể lên được đất ở mà khi bị giải toả thì giá đền bù sẽ thấp hơn nhiều so với giá mua ban đầu.
- Thời hạn sử dụng: đất ở có thời hạn sử dụng lâu dài, đất thương mại dịch vụ, đất nông nghiệp có thời hạn sử dụng tối đa 50 năm.
- Nguồn gốc sử dụng: nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất là các bạn có thể sử dụng đất lâu dài mà không cần đóng tiền sử dụng đất. Đối với nguồn gốc sử dụng là nhà nước cho thuê đất trả tiền một lần thì khi hết thời hạn các bạn phải nộp tiền để gia hạn thời gian sử dụng đất.
2. Nhà ở:
- Loại nhà ở: gồm có: nhà ở riêng lẻ, căn hộ chung cư, nhà ở thương mại, nhà ở công vụ, nhà tái định cư, nhà ở xã hội
- Diện tích xây dựng – Diện tích sàn
- Hình thức sở hữu: sở hữu riêng
- Cấp (hạng): cấp 4 (1 tầng, niên hạn 30 năm), cấp 3 (2 tầng, niên hạn 40 năm), cấp 2 (không giới hạn số tầng, niên hạn 70 năm), cập 1 (không giới hạn số tầng, niên hạn 80 năm)
- Thời hạn sở hữu: thường không ghi gì
3. Công trình xây dựng khác: công trình phụ…
4. Rừng sản xuất là rừng trồng: nếu đất có mục đích sử dụng là đất trồng rừng sẽ ghi ở đây
5. Cây lâu năm: nếu đất có mục đích sử dụng là đất trồng cây lâu năm sẽ ghi ở đây
6. Ghi chú: mục này rất quan trọng, các bạn cần phải kiểm tra thông tin sổ đỏ, sổ hồng thật ký mục này. Mục ghi chú thường ghi các thông tin quy hoạch như quy hoạch khu dân cư, quy hoạch đường, quy hoạch đường ranh kênh, rạch…, các thông tin đặc biệt, khác với thông thường như tài sản riêng, thông tin chuyển nhượng từ chủ cũ…
Mục III, Sơ đồ thửa đất, nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất
Mũi tên: mũi tên chỉ hướng BẮC giúp các bạn có thể xác định hướng của lô đất
Sơ đồ thửa đất và nhà ở trên đất: (kiểm tra thông tin sổ đỏ, sổ hồng thật kỹ)
- Hình dáng và độ dài các cạnh của thửa đất: sẽ giúp bạn xem được thửa đất đó có vuông vắn hay không? có bị lỗi phong thuỷ hay không? có phù hợp với nhu cầu mình mong muốn hay không? và có bị quy hoạch gì dính vào diện tích đất hay không?
- Đường đi: tuyệt đối không mua đất mà không có đương đi trước đất và thận trọng khi mua đất mà đường đi chỉ là lối đi chung được thể hiện trên sổ. Thông tin này giúp bạn xem được là đường trước nhà rộng bao nhiêu? có quy hoạch lộ giới đường vào đất không và quy hoạch vào đất bao nhiêu? Lưu ý: có 1 số tỉnh sẽ không thể hiện đường trước nhà trên sổ nhưng vẫn được nhà nước công nhận như tỉnh Hà Nam.
- Sơ đồ nhà ở trên đất: gồm có diện tích sàn xây dựng các tầng được thể hiện rõ ràng như diện tích nhà, sân, gác lửng, tầng 1, tầng 2, tầng 3…và vật liệu xây dựng như tường gạch, mái tôn, sàn gỗ, mái ngói, mái bê tông…
Toạ độ thửa đất: giúp các bạn có thể kiểm tra chính xác vị trí lô đất để kiểm tra quy hoạch. Nếu khi kiểm tra quy hoạch bằng số thửa, số tờ bản đồ không được, các bạn có thể dùng toạ độ trên sổ để kiểm tra vị trí thửa đất một cách chính xác.
Chú thích: gồm có chú thích các ký hiệu sở đồ thửa đất như ranh quy hoạch, lộ giới đường, lộ giới đất, phần diện tích không được công nhận…
Mục IV, Những thay đổi sau khi cấp giấy chứng nhận
- Thay đổi về chủ đất: nếu ở dòng cuối cùng có thông tin chuyển nhượng cho ông… thì đó mới chỉnh là chủ đất cuối cùng chứ không phải thông tin ở trang 1. Do đó, trước khi giao dịch mua đất cần kiểm tra thông tin sổ đỏ, sổ hồng phần thay đổi về chủ đất xem chủ đất ở đây với CMND hoặc CCCD của người bán xem có trùng nhau hay không. Chú ý tới các thông tin thay đổi số CMND hoặc CCCD trên sổ để so sánh với người bán cho chính xác.
- Thông tin thế chấp sổ đỏ, sổ hồng: phần thay đổi này giúp các bạn biết được là nhà này đang được dùng để thế chấp ngân hàng vay vốn hay không.
Trên đây là toàn bộ điểm quan trọng mà các bạn cần biết để kiểm tra thông tin sổ đỏ, sổ hồng một cách chi tiết và chính xác nhất. Còn về vấn đề phân biệt sổ hồng, sổ đỏ thật – giả, tôi sẽ chia sẻ tới các bạn trong 1 bài viết sau.
Đề tài liên quan kiểm tra thông tin sổ đỏ, sổ hồng: (Facebook)